Ứng dụng công nghệ Biofloc nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng

20 Th9 2023

I. THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ BIOFLOC VÀO NUÔI TÔM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

    – Nuôi tôm công nghệ Biofloc đã được nhắc đến khoảng 2014 – 2015, nhưng trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói riêng cũng như một số tỉnh nuôi tôm trọng điểm nói chung thì chưa triển khai áp dụng thực hiện thành công. Từ cuối năm 2016, được sự hỗ trợ của Dự án CRSD Cà Mau, tỉnh Cà Mau có 15 người được tiếp cận với công nghệ Biofloc (9 nông dân và 6 cán bộ kỹ thuật) thông qua lớp tập huấn 2 ngày tại Ninh Hòa.

Nuôi tôm ứng dụng công nghệ Biofloc có khả năng nhân rộng đối với các ao tôm được trải bạt. Ảnh: Ngọc Thu.


    – Từ đầu năm 2017, các hộ dân được tập huấn bắt đầu áp dụng việc ứng dụng công nghệ Biofloc vào nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Có hộ thành công ngay, có hộ gặp sự cố do thiếu kinh nghiệm vận hành hệ thống. Để hỗ trợ cho các thành viên chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, đã lập nhóm kín trên mạng xã hội Facebook để chia sẻ thông tin. Có mời một số chuyên gia tham gia nhóm để hỗ trợ online cũng như một số chuyên gia về công nghệ sinh học, vi sinh ở trường Đại học Khoa học tự nhiên TP. HCM. Qua quá trình hỗ trợ online cũng như thực tiễn của các chuyên gia, một số nông dân nuôi tôm đã tạo, duy trì được hạt biofloc trong hệ thống nuôi và bắt đầu áp dụng.

    – Trong quá trình áp dụng đã gặp khó khăn do nguyên vật liệu không ổn định về chất lượng, cùng một công thức ủ tăng sinh nhưng những lô hàng khác nhau thì cho kết quả khác nhau. Mặt khác, độ mặn khác nhau cũng ảnh hưởng nhất định đến việc ủ tăng sinh. Qua quá trình thu thập thông tin, thực nghiệm tại nhiều ao của các thành viên trong nhóm, chúng tôm đã phát hiện ra rằng không chỉ duy nhất mà có một số sản phẩm vi sinh có chức năng tạo hạt biofloc, đã tìm được nguồn nguyên liệu vi sinh phù hợp, hiệu quả cho việc thực hiện công nghệ Semi-Biofloc như: Tăng sinh hiệu quả, môi trường ổn định hơn,…

    – Việc kỳ vọng vào hạt Biofloc đa chức năng như vừa làm thức ăn tự nhiên, vừa xử lý môi trường, vừa khống chế khí độc tỏa ra không khả thi. Tôm giai đoạn nhỏ có thể sử dụng hạt biofloc làm thức ăn nhưng tôm giai đoạn sau 30 ngày chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp nên hạt biofloc không có chức năng làm thức ăn bổ sung. Do đó, khi giai đoạn tôm lớn thì hạt Biofloc nên được sử dụng với 01 chức năng duy nhất là xử lý môi trường ao nuôi, khống chế vi khuẩn gây hại là chính, đối với tôm giai đoạn nhỏ có thể sử dụng hạt biofloc thêm chức năng làm thức ăn bổ sung. Một tính năng ưu việt là khi ứng dụng công nghệ này thì trong giai đoạn 45 ngày có thể khống chế được bệnh chết sớm EMS.

    – Qua hơn 01 năm áp dụng, thực hiện đã đạt được một số kết quả cơ bản bước đầu như: Ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc sẽ giúp hạn chế được bệnh chết sớm – EMS; môi trường ao nuôi được duy trì ổn định; chất thải hữu cơ từ ao nuôi được xử lý bằng hệ thống Biogas trước khi chảy vào ao chứa nước thải sẽ hạn chế ô nhiễm môi trường; năng suất được duy trì ở mức ổn định 25-30 tấn/ha và góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

    – Về nguyên lý chung thì việc tạo được mật số vi khuẩn dị dưỡng đủ lớn trong hệ thống nuôi thì hạt Biofloc sẽ được hình thành. Công đoạn quan trọng nhất là tăng sinh chủng vi khuẩn mà chúng ta muốn cung cấp vào hệ thống nuôi. Việc tăng sinh vi khuẩn được thực hiện thông qua việc cung cấp nguồn cacbon hữu cơ (có thể từ mật đường hoặc nguồn khác) vào môi trưởng ủ tăng sinh vi khuẩn trước khi đưa vào hệ thống nuôi. Thời gian ủ hiếu khí vi khuẩn dị dưỡng phụ thuộc nhiều vào nhiệt độ môi trường cũng như chất lượng nguồn cacbon hữu cơ chúng ta đưa vào. Nếu vào mùa khô ở Cà Mau thì thời gian ủ tốt nhất là từ 16 giờ, nếu nhiệt độ xuống thấp có thể ủ tăng sinh từ 20 giờ đến 24 giờ. Công thức ủ tăng sinh vi khuẩn dị dưỡng được thực hiện ở bảng dưới:



    – Hạt Biofloc này có thể làm thức ăn cho tôm giai đoạn nhỏ; khi tôm lớn sẽ giúp xử lý một phần chất thải hữu cơ của ao nuôi, sau đó được loại bỏ ra ngoài bằng đường siphon.

    – Việc duy trì chỉ số FVI trong hệ thống nuôi là vấn đề quan trọng, giúp ổn định được môi trường, hạn chế khí độc như NO¬2, NH3 trong hệ thống nuôi. Thực nghiệm cho thất, chỉ số FVI nên được duy trì ở mức dưới 4 trong suốt vụ nuôi thì môi trường ao nuôi sẽ ổn định hơn. Một số ao nuôi để chỉ số FVI tăng cao lên 8, hoặc cao hơn thì môi trường sẽ biến động lớn sau khoảng 2 ngày, nguyên nhân do hạt Biofloc lớn, nặng nên dễ chìm xuốn và bị phân hủy, sẽ phát sinh khí độc, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của tôm.
    – Việc điều khiển chỉ số FVI trong hệ thống nuôi thường dựa trên nguyên lý giảm hoặc tăng nguồn cacbon hữu cơ cung cấp vào hệ thống nuôi. Đây không phải là quy trình nên hiện chưa có công thức chi tiết. Cụ thể, đa số dựa trên nguyên lý đó và trình độ kỹ thuật, điều kiện cụ thể của từng ao nuôi để có những điều chỉnh thích hợp.

    II. NHẬN XÉT ĐÁNH GIÁ MẶT ĐƯỢC, MẶT CHƯA ĐƯỢC VÀ TÌM  NGUYÊN NHÂN

    1. Mặt được

    – Một số người nuôi tôm Cà Mau đã thực hiện thành công việc ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc vào nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng trong ao trải bạt (nuôi siêu thâm canh).

    – Mô hình này có tính bền vững cao, năng suất ổn định ở mức 25-30 tấn/ha; tỷ suất lợi nhuận đạt 0,6 (tuy nhiên còn tùy thuộc vào giá đầu ra).
    – Có khả năng nhân rộng đối với các ao tôm được trải bạt ở Cà Mau.

    – Sử dụng lượng nước thay ít hơn quy trình thay nước thường xuyên, từ đó tiết kiệm được chi phí xử lý môi trường (nếu có) hoặc hạn chế tác động xấu đến môi trường (nếu xả thải trực tiếp ra ngoài môi trường).

    – Việc tạo hạt Biofloc trong hệ thống nuôi thì sẽ giúp xử lý chất thải hữu cơ ngay tại trong hệ thống nuôi một phần trước khi thải ra môi trường.
    – Tạo ra sản phẩm sạch, không nhiễm kháng sinh.

    – Khống chế được bệnh chết sớm (EMS) trong giai đoạn dưới 45 ngày.

    2. Mặt còn hạn chế

    – Không áp dụng đại trà được, chỉ áp dụng được đối với ao nuôi trải bạt hoàn toàn, có hệ thống siphon đáy.

    – Phải chọn lựa kỹ nguyên vật liệu phù hợp.

    – Đòi hỏi người dân phải đầu tư nhất định vào ao đầm, trang thiết bị đo môi trường, cung cấp oxy hòa tan… sẽ làm tăng chi phí đầu tư.
    – Người dân phải được tập huấn để vận hành công nghệ thì mới vận hành được.

    – Chưa xác định được sức tải của hệ thống để chọn lựa mật độ nuôi, thời gian nuôi phù hợp. Đã qua có một số ao tôm khi đạt sinh khối lớn (khoảng 3kg/khối nước) thì môi trường biến động lớn, ảnh hưởng đến tôm nuôi.

    3. Nguyên nhân của hạn chế:

    – Do đây là công nghệ mới nên khó truyền đạt nhân rộng theo hình thức chia sẻ kinh nghiệm dân gian, cần được tập huấn chuyên sâu để hiểu về bản chất, nguyên lý của công nghệ thì mới vận hành được.

    – Cần phải đầu tư về trang thiết bị đo môi trường, việc đo môi trường thực hiện hàng ngày, phải đo 11 chỉ số môi trường (O2, pH, nhiệt độ, độ mặn, độ kiềm, Magie, Kali, canxi, FVI, NH3, NO2)  … đây là khâu quan trọng trong vận hành công nghệ, nếu không được thực hiện thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của việc vận hành công nghệ vì các chỉ số không được điều chỉnh kịp thời.

    – Một số người nuôi tôm vẫn theo hình thức nuôi thay nước thường xuyên vì dễ thực hiện hơn (mặt dù có tác động đến môi trường) nên đã qua chưa được áp dụng rộng rãi.

    III. CÁC GIẢI PHÁP ĐỀ XUẤT THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI

    – Trước thực trạng nuôi tôm công nghệ cao đang phát triển mạnh như hiện nay, nếu chúng ta không quản lý tốt vấn đề môi trường (nước thải) thì sớm muộn dịch bệnh cũng bùn phát, việc tăng cường quản lý về điều kiện nuôi là cấp bách, đặc biệt là quản lý về nước thải của các hệ thống nuôi, không nuôi tôm bằng mọi giá mà hủy hoại môi trường.

    – Cần có nghiên cứu về đánh giá sức tải của hệ thống ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc để hỗ trợ cho việc vận hành được ổn định và hiệu quả hơn.

    – Không nên áp dụng hoàn toàn công nghệ Biofloc, nên áp dụng một phần (Semi-Biofloc) sẽ phù hợp với điều kiện của Cà Mau và trình độ kỹ thuật của người nuôi tôm hiện nay. Tạo điều kiện để triển khai nhân rộng việc ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc vào nuôi tôm siêu thâm canh trong thời gian tới, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi tôm của Cà Mau.


    – Cần có hội thảo chuyên đề về nuôi tôm ứng dụng công nghệ Biofloc ở Cà Mau để chia sẽ kinh nghiệm, từ đó giúp ổn định quy trình chung của Cà Mau, giúp cơ quan quản lý có sự chỉ đạo sát hợp.

    – Nếu có diện tích đất đủ lớn phục vụ cho nuôi tôm công nghệ cao thay nước nhiều mà không tác động xấu đến môi trường thì nên khuyến khích áp dụng. Khi diện tích đất không đảm bảo thì khuyến khích ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc vào nuôi công nghệ cao để hạn chế lượng nước thay và ít tác động đến môi trường, đảm bảo tính bền vững của nghề nuôi tôm Cà Mau.

    3. Một số kiến nghị

    – Cần có quy định về điều kiện đối với nuôi tôm công nghệ cao, kiên quyết không cho nuôi nếu không đạt điều kiện quy định, cần phải có chế tài phù hợp.

    – Cần hỗ trợ để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nuôi tôm công nghệ cao đặc biệt là sớm triển khai Nghị định số 57 để doanh nghiệp, người dân tiếp cận.

    – Sớm có quy hoạch vùng/khu vực phát triển nuôi tôm công nghệ cao. Cần nghiên cứu thiết kế hệ thống nuôi chuẩn vừa hiệu quả vừa đảm bảo về môi trường để triển khai nhân rộng trong dân áp dụng.

    – Tăng cường kiểm soát về giá, nhất là con giống và thức ăn (chỉ có tăng chứ ít có giảm), nếu có thể đề nghị niêm yết giá thức ăn. Hạn chế tình trạng nhà sản xuất cố tình nâng cao giá bán để tăng chiết khấu cho đại lý, làm người dân bị thiệt hại. Đối với con giống thì đề nghị giới hạn doanh nghiệp sản xuất giống được nhập vào Cà Mau, chỉ những doanh nghiệp có nhập giống bố mẹ thì cho nhập giống vào Cà Mau.

    – Giúp người dân kiểm soát giá đầu ra, làm sao ổn định được giá thị trường để người dân an tâm sản xuất, tránh tình trạng được mùa mất giá như hiện nay.

Nguồn: camau.gov.vn

Bài viết liên quan

Quản lý môi trường ao tôm

29 Th3 2024
– Hỏi: Biện pháp quản lý môi trường ao nuôi tôm siêu thâm canh? (Phạm Trọng Trường, xã Quảng Chính,...

Một số biện pháp phòng bệnh tổng hợp cho thủy sản trong mùa nắng nóng

26 Th3 2024
Trong nuôi trồng thủy sản, vấn đề phòng bệnh được đặt lên hàng đầu và nguyên tắc là “phòng bệnh là...

Các biện pháp xử lý tảo độc ao nuôi

22 Th3 2024
Tảo độc là các loại tảo gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến động vật thủy sản như: tảo lam,...

Màu sắc gan tôm thể hiện điều gì?

17 Th2 2024
Đối với con tôm, gan là một trong những bộ phận giúp người nuôi có thể kiểm tra bệnh của tôm bằng mắt...

Các yếu tố làm nước phân tầng nhiệt độ, giảm độ mặn

07 Th2 2024
Trong nuôi tôm, yếu tố nhiệt độ ảnh hưởng đến tôm rất lớn. Nếu quản lý nhiệt độ ao nuôi tôm không...