Sóc Trăng: Ngành tôm đạt kết quả tích cực năm 2023
Theo Sở NN&PTNT Sóc Trăng, diện tích và sản lượng tôm nước lợ năm 2023 của tỉnh đều vượt chỉ tiêu kế hoạch. Đây được xem là thành quả tích cực đối với ngành tôm Sóc Trăng trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước.
Tăng diện tích, sản lượng
Theo Sở NN&PTNT Sóc Trăng, trong năm 2023, diện tích thả nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh hơn 53.500 ha, vượt gần 5% so kế hoạch, trong đó tôm thẻ chân trắng hơn 40.000 ha, tôm sú 13.440 ha; diện tích tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh chiếm hơn 94% tổng diện tích nuôi; diện tích nuôi tôm ao lót bạt 7.741 ha, tăng 36% so cùng kỳ. Tỷ lệ tôm nuôi thiệt hại được khống chế ở mức dưới 4,7%, xấp xỉ so cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, sản lượng tôm nuôi ước đạt trên 206.300 tấn, tăng gần 7,5% so cùng kỳ năm trước. Hiện, các hợp tác xã, hộ nuôi tôm ở Sóc Trăng đã dần chuyển đổi hình thức nuôi tôm truyền thống bằng ao đất sang nuôi tôm trong ao lót bạt; nuôi tôm hai, ba hay nhiều giai đoạn kết hợp lắp đặt thiết bị quan trắc môi trường tự động. Đây là mô hình đã chứng tỏ sự thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, tôm nuôi đạt kích cỡ lớn; năng suất, chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang trở thành những thách thức lớn đối với ngành thủy sản, tỉnh Sóc Trăng đã ra đời một số mô hình sinh kế nuôi trồng thủy sản bền vững, thích ứng và ứng phó kịp thời với những thách thức, diễn biến bất thường của BĐKH. Điển hình, mô hình tôm – lúa, giúp hệ thống canh tác lúa hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, sử dụng tài nguyên nước hợp lý theo mùa, hạn chế được tình trạng vùng nuôi tôm bị lão hóa, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh và tạo điều kiện cho nuôi trồng bền vững.
Ngoài ra, mô hình này có chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận khá. Cùng đó, người dân có thể đa dạng hóa thu nhập thông qua kết hợp thả nuôi xen cua, tôm, cá tự nhiên. Đến nay, mô hình tôm – lúa toàn tỉnh đã phát triển với quy mô khoảng 17.700 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Mỹ Xuyên.
Thời gian qua, tỉnh tập trung tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ để tạo vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô lớn, làm đầu mối để liên kết với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chú trọng thúc đẩy liên kết giữa Nhà nước – nhà nông – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – các tổ chức tín dụng – nhà mạng – nhà bán lẻ, nhà phân phối trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ.
Nhân rộng các mô hình mới
Năm 2024, tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu diện tích thả nuôi tôm nước lợ là 50.320 ha, sản lượng 215.000 tấn. Do đó, để đạt kế hoạch đề ra, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Thủy sản năm 2017.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh hàng hóa lĩnh vực vật tư phục vụ nuôi tôm, không đảm bảo chất lượng. Phát huy vai trò của các tổ hợp tác, hợp tác xã trong việc tập trung, hợp tác thành các vùng sản xuất nguyên liệu lớn theo các quy chuẩn sản xuất có trách nhiệm, an toàn như: VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP… để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cùng đó, khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác với các cơ quan nghiên cứu đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ phát triển ngành tôm, nâng cao năng lực tiếp nhận và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến của người nuôi… Đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào gắn với thị trường tiêu thụ để hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Cùng đó, luôn đổi mới công tác tuyên truyền về hình thức, nội dung và phương pháp chuyển giao khoa học kỹ thuật đến người nuôi kịp thời, hiệu quả. Thực hiện công tác xây dựng và triển khai nhân rộng các mô hình nuôi mới, các giải pháp, công nghệ nuôi thích ứng với điều kiện BĐKH. Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung, để kịp thời đưa ra những cảnh báo, khuyến cáo nhằm giúp người nuôi hạn chế thấp nhất thiệt hại khi thời tiết bất lợi. Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, cũng như khuyến khích người nuôi áp dụng công nghệ số vào sản xuất.
Nguồn: thuysanvietnam.com.vn