Mờ đục hậu ấu trùng (TPD): Cảnh báo bùng phát bệnh mới đe dọa ngành tôm
Gần đây, hiện tượng tôm hậu ấu trùng chết đột ngột và đồng loạt, nghi ngờ là bệnh Mờ đục ấu trùng tôm (Translucent Post-Larva Disease-TPD) do chủng V. parahaemolyticus mới gây ra, đang khiến người nuôi tôm trên cả nước hoang mang và lo lắng…
Tôm ấu trùng chết nhanh chưa rõ nguyên nhân
Theo thông tin từ Báo Nông nghiệp Việt Nam, hơn 1 tháng nay, tỉnh Trà Vinh ghi nhận gần 55 triệu con tôm giống bị thiệt hại. Nhiều chủ ao thông tin, gần đây đã xuất hiện loại bệnh lạ khiến tôm nuôi chết hàng loạt. Theo quan sát, khi nhiễm bệnh con tôm có triệu chứng bỏ ăn, lờ đờ, màu sắc nhợt nhạt… Đặc biệt, gan tụy tôm bệnh có màu trắng bệch.
Ông La Văn Sớm, ở ấp 11, xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải chia sẻ, cả tháng nay gia đình ông mất ăn mất ngủ bởi trong số 10 ao tôm của ông, đã có 4 ao bị nhiễm bệnh. Triệu chứng bệnh xuất hiện ở giai đoạn tôm nuôi từ 10-30 ngày tuổi, và tốc độ lây lan rất nhanh. Buổi sáng ông thăm ao thấy một vài con nổi đầu, nhưng chỉ vài giờ sau tôm chết đã nổi đỏ cả ao. Ông Sớm ước tính gia đình thiệt hại gần 500 triệu do tôm bệnh.
Ông Diệp Thành Toàn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản, Trường Đại học Trà Vinh xác nhận: “Qua công tác thực tế tại địa phương chúng tôi ghi nhận có xuất hiện bệnh mới trên tôm như thông tin người dân cung cấp. Bệnh này với tốc độ lây lan rất nhanh và gây thất thoát nặng nề cho người nuôi. Hiện, cán bộ trung tâm cần thời gian nghiên cứu để xác định nguyên nhân và hướng giải quyết”.
Còn tại khu vực nuôi miền Bắc và miền Trung, theo chia sẻ từ ông Nguyễn Tiến Đông, có những ao tôm mới thả được 5 ngày đã chết hàng loạt, gây thiệt hại cho người nuôi. Ông Đông cho hay, hiện tượng này xảy ra ở tôm nuôi dưới 20 ngày tuổi. Gây thiệt hại lớn và gây tâm lý hoang mang cho người nuôi.
Trao đổi với ông Lê Văn Quê, Chủ tịch Hiệp hội Giống Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, được biết, trong thời gian gần đây, một số thông tin từ các cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh cho biết có hiện tượng tôm giống chết nhanh không rõ nguyên nhân xảy ra ở giai đoạn Post. Các thông tin trên đã được Chi cục Thú y & Chăn nuôi tỉnh tiếp nhận, lấy mẫu phân tích và gửi cho các Viện để có kết quả, nhằm xác định loại bệnh học trên tìm nguyên nhân và hướng xử lý.
Về phía Hiệp hội Giống Thủy sản Ninh Thuận, ông Quê cho hay: “Hiện Hiệp hội chưa chính thức nhận được thông tin chính thống nào từ các doanh nghiệp hội viên về tình trạng này. Tuy nhiên, chúng tôi luôn tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến các hội viên chủ động các biện pháp phòng ngừa đặt biệt là vệ sinh an toàn sinh học trong sản xuất, kiểm soát kỹ các nguồn cung ứng hàng hóa thức ăn đầu vào và phân loại nguy cơ… Khi phát hiện các triệu chứng như khuyến cáo trên tôm giống thì lưu lại mẫu, hoặc báo cho Chi cục Thú y tỉnh để lấy mẫu phân tích bệnh học…”
Xác định chủng vi khuẩn mới gây bệnh TPD
Theo Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), theo kết quả nghiên cứu của phòng nghiên cứu ShrimpVet trong cuối tháng 8/2023 và đầu tháng 9/2023 tại Việt Nam, đã phân lập được 05 chủng với đặc điểm của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus từ mẫu tôm chết đột ngột nghi ngờ do TPD ở trại giống tại Việt Nam. Các chủng này kiểm tra PCR âm tính với chủng V. parahaemolyticus gây Bệnh hoại tử gan tuỵ cấp tính (Tran L & cs, 2013; Han & cs, 2015), cả năm chủng nghi ngờ gây bệnh TPD đều có độc lực cao hơn so với các chủng Vibrio harveyi (không phát sáng, gây đục cơ), Vibrio parahaemolyticus (không gây EMS/AHPND), và Vibrio parahaemolyticus gây AHPND.
Theo kết luận của phòng nghiên cứu ShrimpVet, các chủng vi khuẩn nghi ngờ là những chủng V. parahaemolyticus mới gây bệnh TPD ở tôm nuôi. Các chủng này có độc lực cao hơn so với các chủng gây AHPND. Các chủng này có thể là một nguồn nguy cơ lớn cho ngành nuôi tôm ở Việt Nam và các nước khác. Cục Thủy sản đang làm việc với nhóm nghiên cứu để sớm có hướng dẫn ngay một số biện pháp phòng ngừa dịch bệnh TPD cho các doanh nghiệp và cơ sở nuôi tôm.
Còn tại Trung Quốc, bệnh TDP đã được ghi nhận những năm gần đây, gây thiệt hại rất lớn cho ngành tôm nước này. Theo nghiên cứu, bệnh này chủ yếu xảy ra ở giai đoạn tôm sau ấu trùng (PL) (Zou & cs, 2020). Tôm bị bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao (gần 100%) với một số dấu hiệu lâm sàng bao gồm ruột rỗng và gan tụy nhợt nhạt hoặc không màu. Vì vậy, một số nhà nghiên cứu đã gọi căn bệnh này là “Hội chứng thủy tinh hóa do vi khuẩn” (BVS) hoặc “Bệnh mờ đục hậu ấu trùng” (TPD).
Theo các nhà nghiên cứu, mầm bệnh mới có độc lực cao đối với hậu ấu trùng tôm và có thể gây ra những thay đổi mô bệnh học cấp tính và nghiêm trọng ở gan tụy và ruột giữa của tôm. Nguy cơ dịch bệnh và thiệt hại ở hậu ấu trùng do mầm bệnh mới này gây ra là vô cùng lớn.
(a) Tôm khỏe mạnh. (b) Phần mô học của gan tụy tôm khỏe mạnh. (c) Phần mô học của ruột tôm khỏe mạnh. (d) Tôm bị bệnh. (e) Phần mô học của gan tụy tôm bị bệnh. (f) Phần mô học của ruột tôm bị bệnh. Hậu ấu trùng tôm bị bệnh có đặc điểm mờ đục điển hình. Đường viền của gan tụy không rõ ràng và các tế bào biểu mô gan tụy bong ra, cho thấy nhân sẫm màu và đặc trưng (mũi tên đỏ). Ruột rỗng, thành ruột không hoàn chỉnh, một số tế bào thành ruột bị mất và bị tổn thương (mũi tên đen).
Cần tuân thủ an toàn sinh học, chủ động phòng bệnh
Hiện nay, Cục Thủy sản đã báo báo và đề xuất Bộ NN&PTNT sớm hoàn thiện các hướng dẫn ban đầu trên cơ sở khuyến cáo của các nhà khoa học hướng dẫn phòng bệnh TPD trên tôm để quản lý tốt chất lượng tôm giống sản xuất cung cấp cho nuôi thương phẩm. Đồng thời, tổ chức truyền thông, hướng dẫn các địa phương, cơ sở sản xuất giống và người nuôi tôm các biện pháp quản lý tốt ao nuôi từ khâu cải tạo, chọn lựa con giống chất lượng thả nuôi và quản lý tốt môi trường ao nuôi để phòng bệnh TPD.
Cụ thể, để đề phòng bệnh xuất hiện và lây lan, các cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống cần phải xây dựng và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học để ngăn chặn tác nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào cơ sở và mầm bệnh từ cơ sở (nếu có) ra ngoài môi trường; kiểm soát tốt các đường lây của các mầm bệnh từ vi khuẩn như: thực hiện quy trình rửa Nauplius đúng cách trước khi đưa vào bể ương dưỡng; có thể sử dụng các vi sinh vật có lợi có khả năng ức chế sự phát triển của V.parahaemolyticus để bổ sung vào thức ăn hoặc nước nuôi để cải thiện sức khỏe và khả năng miễn dịch của tôm giống; phải kiểm soát chặt chẽ nguồn thức ăn tươi sống cho tôm bố mẹ và tôm giống, đông lạnh thức ăn tươi sống; thực hiện nghiêm quy trình khử trùng, diệt khuẩn nước trước khi đưa vào sử dụng; đối với công cụ, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, người ra vào trại phải có quy trình vệ sinh, khử trùng tiêu độc, đảm bảo hiệu quả khử trùng (bảo hộ, hố khử trùng, khử trùng định kỳ,…).
Bên cạnh đó, theo ông Lê Văn Quê, môi trường nuôi và các yếu tố nhiễm bệnh có thể biến đổi liên tục khiến cho tình hình sản xuất ngày càng đối diện với nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên các cơ sở sản xuất tuân thủ các hướng dẫn về an toàn sinh học trại giống một cách tốt nhất thì nguy cơ nhiễm bệnh sẽ thấp hơn.
Ông Quê cũng đưa ra khuyến cáo cho các đơn vị sản xuất tôm giống cần kiểm soát chặt tôm giống, tôm bố mẹ, thức ăn tươi sống nhập khẩu từ Trung Quốc. Cần lấy mẫu để xét nghiệm đảm bảo tôm không bị bệnh trước khi nhập khẩu vào Việt Nam; Mua tôm giống từ những cơ sở uy tín hoặc đã được xét nghiệm âm tính với các bệnh khác theo quy định về kiểm dịch động vật thủy sản.
Đồng thời, khuyến nghị các cơ sở nên chủ động ứng dụng vi sinh để giảm, hạn chế hoặc phòng ngừa bệnh mờ đục thân trong cơ sở sản xuất giống, có thể sử dụng các vi sinh vật có lợi khả năng ức chế sự phát triển của V. parahaemolyticus. Các vi sinh vật này có thể được bổ sung vào thức ăn hoặc nước nuôi để cải thiện sức khỏe và miễn dịch của tôm; Kiểm soát chặt nguồn thức ăn tươi sống cho tôm bố mẹ; Thực hiện nghiêm quy trình khử trùng, diệt khuẩn nước trước khi đưa vào sử dụng; Đối với công cụ, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, người ra vào trại phải có quy trình vệ sinh, khử trùng tiêu độc, bảo đảm hiệu quả khử trùng (bảo hộ, hố khử trùng, khử trùng định kỳ.
Trước khi tìm ra giải pháp điều trị hiệu quả, việc phát hiện sớm mầm bệnh, nguyên nhân gây bệnh và chủ động phòng ngừa, thực hiện đúng các quy tắc an toàn sinh học hy vọng sẽ giúp người nuôi giảm thiểu tối đa thiệt hại về kinh tế.
Bệnh TPD thường nhiễm trên tôm giống (tỷ lệ nhiễm trên 60%) gây ra tỷ lệ chết cao (100%) ở giai đoạn tôm giống chỉ sau vài ngày phát hiện triệu chứng, đặc biệt là từ PL4 đến PL7. Triệu chứng chính của bệnh là gan tụy tôm và ruột trắng trong suốt, cơ thể mờ nhạt và teo nhỏ
Nguồn: Nguoinuoitom.vn