Hợp tác để phát triển bền vững vùng nuôi tôm công nghệ cao
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Trà Vinh cho biết nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao tiếp tục tăng về diện tích và sản lượng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có 1.856 hộ nuôi tôm công nghệ cao, với 4.142 lượt ao, đạt 1.100ha trong năm 2023. Theo số liệu thống kê, nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao tăng diện tích 1.801,9 ha.
Ngoài diện tích nuôi truyền thống, thì nuôi tôm công nghệ cao phát triển tại địa bàn tiếp tục tăng lên. Đặc biệt, hiện có 270 hộ, hơn 128 ha được cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi (Duyên Hải 151 hộ đạt 82,706 ha; thị xã Duyên Hải 34 hộ đạt 22,588 ha, Cầu Ngang 84 hộ đạt 22,436 ha, Châu Thành 01 hộ đạt 0,31ha).
Hiện nay nuôi tôm nước lợ đang phát triển theo xu thế chung của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều công trình điện, giao thông, thủy lợi được đầu tư nâng cấp, cải thiện, mạng lưới hậu cần dịch vụ từng bước đáp ứng nhu cầu; các hình thức được cập nhật tiến bộ kỹ thuật; quản lý nhà nước ngày càng chặt chẽ kiểm soát đầu vào, đầu ra… nên diện tích, sản lượng và giá trị đều tăng từng năm, góp phần nâng thu nhập bình quân, đời sống kinh tế người dân nông thôn.
Phong trào nuôi tôm công nghệ cao hình thành và phát triển từ năm 2017, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, diện tích 145 ha, năng suất từ 35 – 40 tấn/ha/vụ. Đến năm 2023, diện tích nuôi tôm thâm canh mật độ cao đạt 1.100 ha, sản lượng 35.438 tấn, chiếm 39,4% so với sản lượng tôm nước lợ, chiếm 46,3% so với sản lượng tôm thẻ chân trắng, năng suất đạt khoảng 45 – 60 tấn/ha/vụ (tăng 10 – 20 tấn/ha/vụ so với năm 2017). Với những kết quả đạt được về năng suất, sản lượng cũng như kinh tế, nuôi tôm công nghệ cao ngày càng có nhiều nông dân lựa chọn đầu tư.
Hiện nay, hình thức nuôi chủ yếu tôm thẻ chân trắng thâm canh 02 – 03 giai đoạn kết hợp hầm biogas xử lý môi trường; siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng trên bể nổi, siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng trong nhà kính.
Với quyết tâm đưa ứng dụng công nghệ cao vào nuôi thủy sản là mục tiêu, nhằm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 23/01/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong 05 năm (2019 – 2023) về ứng dụng khoa học – kỹ thuật trong sản xuất, có 23 hộ nuôi tôm được chứng nhận sản xuất tốt (VietGAP và tương đương) diện tích 7 ha.
Có thể thấy, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu. Tỉnh định hướng phát triển nuôi tôm thâm canh mật độ cao trong thời gian tới trên cơ sở phương án phát triển ngành tôm tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 1925/QĐ-UBND, ngày 29/9/2022 của UBND tỉnh Trà Vinh).
Đến năm 2025, phát triển điện tích nuôi tôm nước lợ 34.249 ha (siêu thâm canh 2.000 ha), sản lượng đạt 171,88 nghìn tấn, tập trung tại các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Năm 2030, duy trì ổn định diện tích nuôi tôm nước lợ 34,249 ha (nuôi thâm canh mật độ cao đạt 3.617 ha). Sản lượng ước đạt 286.330 tấn (siêu thâm canh 162.000 tấn).
Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; áp dụng công nghệ nuôi tiết kiệm nguồn nước, ứng dụng công nghệ tuần hoàn, công nghệ sinh học… gắn với các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả giúp người nuôi, doanh nghiệp giảm thiệt hại và chủ động sản xuất. Phối hợp các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo giống tôm tăng trưởng nhanh, sạch bệnh để chủ động cung cấp cho vùng nuôi tôm.
Nguồn: nguoinuoitom.vn