Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản: Lợi thế truyền thống và áp lực từ đối thủ cạnh tranh
Nhật Bản là thị trường NK đơn lẻ đứng thứ 3 của tôm Việt Nam, chiếm 13% tổng giá trị XK tôm của Việt Nam. Tháng 5 năm nay, XK tôm sang thị trường này đạt 49 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. 5 tháng đầu năm nay, XK tôm sang thị trường này đạt hơn 218 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xu hướng tăng trưởng trong 5 tháng đầu năm nay là tiếp nối đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2024. Năm 2024, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 517 triệu USD, tăng nhẹ 1% so với năm 2023.
XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản những năm trước đó chỉ giảm hoặc tăng trưởng nhẹ. XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản ghi nhận tăng trưởng 14% trong 5 tháng đầu năm nay là tín hiệu tích cực, phản ánh phần nào sự dịch chuyển thị trường trước những thách thức thuế quan từ Mỹ. Tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng này vẫn đang chịu nhiều áp lực từ yếu tố tỷ giá và sự dịch chuyển của các đối thủ, đặc biệt là Indonesia.
Nhu cầu tiêu thụ ổn định nhưng chưa bứt phá
Nhật Bản là thị trường tiêu thụ tôm có yêu cầu cao về chất lượng, hình thức và mức độ chế biến. Người tiêu dùng nước này ưa chuộng các sản phẩm tôm tinh chế như tôm bao bột, tôm chiên, tôm sushi, tôm duỗi… – những dòng sản phẩm vốn là thế mạnh của doanh nghiệp Việt. Hiện trên 90% tôm Việt Nam xuất sang Nhật là hàng chế biến có giá trị gia tăng (GTGT).
Tuy nhiên, tỷ giá đồng yên yếu đã làm giảm sức mua đáng kể. Đồng JPY đã mất giá tới 40% trong vài năm gần đây, khiến giá nhập khẩu tôm (tính theo yên) trở nên đắt đỏ hơn, làm giảm sức tiêu thụ nội địa. Mặt khác, thị trường Nhật Bản luôn đặt ra các quy định khắt khe cho các nhà XK, cũng là một yếu tố tác động tới hoạt động XK tôm sang thị trường này.
Áp lực cạnh tranh từ Indonesia và các nguồn cung đối thủ
Indonesia là đối thủ đang nổi lên mạnh mẽ tại thị trường Nhật. Cũng đối mặt với nguy cơ bị áp thuế đối ứng cao từ Mỹ, quốc gia này đang nỗ lực chuyển hướng sang EU và Nhật để tiêu thụ khoảng 360.000–400.000 tấn tôm thẻ hàng năm. Các nhà sản xuất và xuất khẩu Indonesia như CP Prima đã công bố chiến lược đa dạng hóa, với Nhật là một trong những thị trường ưu tiên hàng đầu. Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), trong 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu tôm từ Indonesia sang Nhật tăng 9,4%, đạt 101 triệu USD.
Trong khi đó, xuất khẩu từ Việt Nam cũng tăng 12,6% lên hơn 150 triệu USD. Tuy vậy, khoảng cách với Indonesia đang thu hẹp và nếu không có chiến lược hiệu quả, Việt Nam có thể đánh mất vị trí dẫn đầu tại thị trường này.
Ngoài Indonesia, Nhật Bản cũng tăng nhập khẩu tôm từ Ecuador (+49,9%) và Ấn Độ (+5%). Điều này phản ánh xu hướng của các nhà cung cấp đang tìm cách đa dạng hóa thị trường trong bối cảnh thuế Mỹ.
4 tháng đầu năm nay, NK tôm của Nhật Bản đạt 604 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ cấu và ưu thế của tôm Việt
Tôm chân trắng chiếm 67% trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất sang Nhật, tôm sú chiếm 18%. Các sản phẩm GTGT như tôm chiên, tôm sushi-ready là lợi thế cạnh tranh chính của Việt Nam. Trình độ chế biến cao, mẫu mã đẹp và kiểm soát chất lượng tốt giúp tôm Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trong các hệ thống phân phối lớn tại Nhật.
Tuy nhiên, để giữ vững và mở rộng thị phần, Việt Nam cần liên tục cải thiện chất lượng, giảm giá thành và đầu tư vào mô hình nuôi bền vững – hướng đi được người tiêu dùng Nhật Bản và quốc tế đánh giá cao.
Nhật Bản vẫn là thị trường giàu tiềm năng và khá ổn định đối với tôm Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu còn nhiều biến động. Để đẩy mạnh XK tôm sang Nhật Bản, DN Việt cần tăng cường xuất khẩu sản phẩm chế biến GTGT phù hợp với thị hiếu tiêu dùng tại Nhật (tôm bao bột, chiên, sushi, ready-to-eat…). Tuân thủ nghiêm ngặt quy định về an toàn thực phẩm, đầu tư vào mô hình nuôi thân thiện môi trường, hướng tới sản phẩm “xanh, sạch” và điều chỉnh chiến lược giá linh hoạt trước sự biến động tỷ giá của đồng yên.
Cộng đồng DN cũng đề xuất, kiến nghị các cơ quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, xúc tiến thương mại song phương nhằm tháo gỡ rào cản, mở rộng thị phần tại Nhật, hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện hệ thống logistics để giảm chi phí và thời gian giao hàng.
Nguồn: Vasep.com.vn