Tỉnh Bạc Liêu sáp nhập Cà Mau thành tỉnh Cà Mau mới, thế mạnh nhân đôi, lĩnh vực nào dẫn đầu cả nước?

07 Th7 2025

Nhìn tổng thể, bức tranh kinh tế của Bạc Liêu có sự tương đồng với Cà Mau về tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thuỷ sản và phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Vì thế, việc sáp nhập, hợp nhất 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau mở ra nhiều kỳ vọng phát triển bứt phá cho vùng đất cuối trời Tổ quốc, khi nguồn lực được tập trung, khai thác và phát huy.

Tận dụng điều kiện sinh thái đặc thù, Bạc Liêu phát triển mạnh ngành nuôi trồng thuỷ sản (NTTS), với sản phẩm chủ lực là con tôm.

Ðặc biệt là việc hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm với quy mô hơn 418 ha, đưa tỉnh Bạc Liêu trở thành “điểm sáng” của cả nước về các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.

Cụ thể, với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 140.000 ha, cho sản lượng hằng năm trên 388.740 tấn, trong đó có nhiều mô hình nuôi tôm hiệu quả như: thâm canh, bán thâm canh, siêu thâm canh, tôm – lúa, tôm – rừng được nhiều tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao về tính bền vững… chính là tiền đề vững chắc để Bạc Liêu hiện thực hoá khát vọng làm giàu từ con tôm.

Việc hợp nhất với tỉnh Cà Mau được kỳ vọng sẽ tạo ra sức bật mới cho ngành thủy sản khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực nuôi tôm — thế mạnh chung của cả hai địa phương. Khi nguồn lực được tập trung và khai thác hiệu quả, tỉnh Cà Mau mới có thể vươn lên dẫn đầu cả nước về diện tích nuôi trồng thủy sản cũng như sản lượng chế biến, xuất khẩu.

Bên cạnh thế mạnh nuôi trồng thủy sản, một lĩnh vực tương đồng khác mà hai tỉnh còn nhiều dư địa để khai thác và được kỳ vọng sẽ vươn lên dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước chính là phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, Bạc Liêu đã xác định rõ định hướng phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững; trong đó, năng lượng tái tạo được ưu tiên là một trong những lĩnh vực trọng điểm. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã có 8 dự án điện gió đi vào vận hành, với tổng công suất hơn 469 MW.

Cùng với tiềm năng và thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, chế biến, xuất khẩu và năng lượng sạch, Bạc Liêu được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế biển, từng bước đưa tỉnh Cà Mau (mới) vươn lên trở thành địa phương mạnh trong khu vực và cả nước.

Với trên 100 km² đất mặt nước ven biển (bãi bồi ven biển) và bờ biển dài 56 km, vùng đặc quyền kinh tế biển rộng trên 20.700 km² cùng nhiều cửa biển lớn: Gành Hào, Huyện Kệ, Cái Cùng và Nhà Mát; Bạc Liêu vốn có điều kiện thuận lợi trong hoạt động khai thác, đánh bắt, lưu thông hàng hoá và cấp thoát nước phục vụ cho nuôi trồng thủy sản.

Ðặc biệt, vùng biển Bạc Liêu ít chịu ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới nên rất thuận lợi cho phát triển các mô hình nuôi biển bằng lồng bè ngoài vùng nước xanh.

Nằm trong ngư trường Ðông Nam Bộ có hơn 2.000 loài cá, trong đó khoảng 130 loài có giá trị kinh tế, nguồn lợi thuỷ sản của biển Bạc Liêu cũng rất phong phú.

Phát huy thế mạnh đặc thù này, trong định hướng phát triển, Bạc Liêu đặt mục tiêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, môi trường thiên nhiên được bảo vệ, phát triển bền vững…

Từ những định hướng chiến lược này, khi hợp nhất, tỉnh Bạc Liêu sẽ gia tăng nguồn lực cho tỉnh Cà Mau (mới) trên hành trình hiện thực hoá khát vọng làm giàu từ biển.

Ngoài các thế mạnh nói trên, Bạc Liêu cơ bản hình thành, phát triển 2 tiểu vùng kinh tế: Tiểu vùng kinh tế trọng điểm Nam Quốc lộ 1 (có cả vùng biển) và Tiểu vùng kinh tế ở phía Bắc Quốc lộ 1 – những vùng kinh tế “vệ tinh” góp sức khai thác, phát huy và khơi dậy sức bật tổng thể cho nền kinh tế.

Với khát vọng vươn cao và phát triển không ngừng, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Cà Mau (mới) đã thống nhất chọn kịch bản tăng trưởng 2 con số (với tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2026-2030 đạt từ 10-10,5%/năm).

Ở bước ngoặt lịch sử hợp nhất tỉnh, mở ra giai đoạn bứt phá mới, toàn Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Cà Mau mới đoàn kết một lòng, quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp, thịnh vượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nguồn: nguoinuoitom.vn

Bài viết liên quan

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản: Lợi thế truyền thống và áp lự...

04 Th7 2025
Nhật Bản là thị trường NK đơn lẻ đứng thứ 3 của tôm Việt Nam, chiếm 13% tổng giá trị XK tôm của Việt...

Hiệu quả nuôi tôm quảng canh cải tiến

01 Th7 2025
Trong bối cảnh ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức về môi trường, dịch...

Bến Tre vượt mục tiêu 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao

28 Th6 2025
Đặt mục tiêu phát triển 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao (CNC) đến năm 2025, Bến Tre không...

Đưa khoa học công nghệ trở thành động lực đột phá cho ngành nuôi tr...

26 Th6 2025
  Mặc dù sản lượng nuôi trồng thủy sản (NTTS) tăng trưởng mạnh mẽ cùng với sự cải tiến công...

Kiên Giang nâng chỉ tiêu sản lượng thủy sản lên trên 830.000 tấn nă...

23 Th6 2025
Tỉnh Kiên Giang vừa điều chỉnh tăng chỉ tiêu sản lượng thủy sản năm 2025 lên mức 830.300 tấn, tăng 10.000...