Sóc Trăng: Phấn đấu sản lượng tôm nước lợ đạt 223.000 tấn
Năm 2025, Sóc Trăng đặt mục tiêu đạt diện tích thả nuôi tôm nước lợ đạt 51.000 ha, tổng sản lượng tôm nuôi là 223.000 tấn.

Năm 2024, ngành tôm Sóc Trăng vẫn giữ được đà tăng trưởng ổn định với diện tích thả nuôi đạt gần 51.000 ha, sản lượng tôm nuôi đạt trên 200.000 tấn. Năm 2025, tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu đạt diện tích thả nuôi tôm nước lợ đạt 51.000 ha, tổng sản lượng tôm nuôi là 223.000 tấn. Từ những kinh nghiệm đúc kết được qua các năm trước, Sóc Trăng đang có bước chuẩn bị rất tốt cho vụ nuôi tôm nước lợ năm 2025 với kỳ vọng sẽ gặt hái thêm nhiều vụ sản xuất thành công.
Để người nuôi có kế hoạch sản xuất đạt hiệu quả tối ưu, hạn chế thấp nhất diện tích thiệt hại do thời tiết, Sở NN&PTNT Sóc Trăng đã xây dựng khung lịch thời vụ thả nuôi tôm nước lợ phù hợp với từng đối tượng, từng vùng sản xuất khác nhau. Theo đó, thời gian thả giống bắt đầu từ ngày 01/01/2025 và sẽ kết thúc vào ngày 01/10/2025. Trong đó, tôm thẻ chân trắng thả giống từ ngày 01/01/2025 01/10/2025; tôm sú thả giống từ ngày 01/03/2025 – 01/9/2025. Riêng mô hình tôm – lúa, ngành lưu ý người dân cần bố trí thả nuôi và thu hoạch kết thúc trước tháng 9/2025 để kịp chuẩn bị vụ lúa.
Theo khung lịch thời vụ được ngành chuyên môn khuyến cáo, từ tháng 1/2025, người dân tại nhiều vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh đã khẩn trương cải tạo, chuẩn bị thật kỹ để khởi động vụ nuôi mới. Bên cạnh tiến hành nạo vét, rắc vôi bột để đảm bảo diệt trừ mầm bệnh tồn lưu từ vụ nuôi trước, nhiều hộ nuôi còn thực hiện tốt quan điểm “nuôi nước trước khi nuôi tôm”, thông qua việc cải tạo, xử lý ao lắng. Điều này giúp nguồn nước trước khi cấp vào ao nuôi đạt chất lượng, đảm bảo môi trường tốt nhất để tôm phát triển.
Dự báo, năm 2025, ngành tôm sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do sự biến động về giá tôm thương phẩm. Do vậy, bên cạnh thực hiện kỹ lưỡng các khâu cải tạo ao, xử lý nước, nhiều hộ nuôi cũng đã chủ động xây dựng phương án sản xuất phù hợp theo hướng tiết giảm giá thành sản xuất để đảm bảo được lợi nhuận. Theo đó, nhiều hộ dân đã mạnh dạn tiếp cận các mô hình nuôi tiên tiến, như: Nuôi tôm lưới đáy, nuôi tôm trong ao tròn nổi,…
Ngoài ra, để giảm thiểu thiệt hại, phòng ngừa dịch bệnh trong quá trình nuôi tôm, Chi cục Thủy sản Sóc Trăng thường xuyên thực hiện công tác quan trắc môi trường để kịp thời điều chỉnh lịch thả giống cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Thực tế cho thấy, công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung cùng với đánh giá, tính toán chỉ số chất lượng nước cho vùng nuôi thủy sản lợ và mặn đã giúp người nuôi tránh được rủi ro thiệt hại do tác động từ diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu.
Đồng chí Đồ Văn Thừa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, khuyến cáo thêm: “Lưu ý bà con cần thả nuôi tôm theo quy hoạch, kế hoạch của ngành, của địa phương và tuân thủ tốt theo khung lịch thời vụ được thông báo. Cần thực hiện tốt khâu cải tạo và xử lý lấy nước vào trước khi thả giống; chọn mua tôm giống tại những cơ sở có uy tín, đảm bảo đã được xét nghiệm và không nhiễm các bệnh nguy hiểm. Đối với các trang trại, doanh nghiệp nuôi quy mô lớn có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu điều kiện nuôi, các mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, ao nuôi lót bạt, quy trình nuôi 2 giai đoạn,… có thể bố trí rải vụ quanh năm nhưng cần phải chủ động trữ nước, xử lý nước, có giải pháp ứng phó kịp thời khi có thời tiết bất lợi xảy ra và đảm bảo tốt công tác xả thải để góp phần bảo vệ môi trường vùng nuôi. Về phía ngành sẽ thường xuyên phối hợp với cơ quan báo, đài, các hợp tác xã và các địa phương, theo dõi tình hình thời tiết, khí hậu cũng như dịch bệnh để kịp thời đưa ra cảnh báo, hướng dẫn hộ nuôi biện pháp phòng ngừa, xử lý”.
Đồng thời, Chi cục Thủy sản cũng sẽ phối hợp với lực lượng liên ngành tăng cường kiểm tra điều kiện của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, vật tư thủy sản. Phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh hướng dẫn hộ nuôi đăng ký kê khai ban đầu, giám sát vùng nuôi, xử lý đối với các trường hợp thả tôm không đúng lịch thời vụ đã khuyến cáo,…
Nguồn: thuysanvietnam.com