Ninh Thuận: Bứt phá trong sản xuất tôm giống

02 Th5 2024

Năm 2023, sản lượng tôm giống Ninh Thuận đạt hơn 41 tỷ con, tăng 4,7% so với năm 2022, đáp ứng hơn 35% nhu cầu tôm giống cả nước, đưa Ninh Thuận trở thành địa phương sản xuất tôm giống lớn nhất cả nước.

Đầu tư cho sản xuất giống

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, môi trường nước biển trong sạch và ổn định, tỉnh Ninh Thuận có nhiều yếu tố thuận lợi cho sản xuất giống thủy sản, đặc biệt là tôm giống. Ninh Thuận được coi là trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước, hàng năm cung cấp 40 -50 tỷ con tôm giống, đáp ứng 35 – 40% nhu cầu tôm giống cả nước.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác thăm cơ sở sản xuất tôm giống tại tỉnh Ninh Thuận.

Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có 20% số cơ sở có quy mô công suất tối thiểu 0,5 tỷ con giống/năm; 100% cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định và được giám sát an toàn dịch bệnh; sản lượng tôm giống hơn 60 tỷ con/năm và 100% tôm giống xuất tỉnh được kiểm dịch đủ điều kiện. Đồng thời, chủ động sản xuất tôm thẻ chân trắng và tôm sú bố mẹ có chất lượng cao, sạch bệnh, kháng bệnh.

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển, UBND tỉnh Ninh Thuận đã quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) với diện tích 168 ha. Đồng thời, quyết định công nhận vùng sản xuất tôm giống bố mẹ ứng dụng công nghệ cao tại Sơn Hải, xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) giai đoạn 2021 – 2030 với diện tích 37,7 ha. Vùng sẽ được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, khu xử lý nước thải và bố trí dải cây xanh để cách ly tránh ảnh hưởng cảnh quan các dự án giao thông đô thị xung quanh.

Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2030, sản lượng tôm giống hơn 60 tỷ con/năm.

Đề án Phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước giai đoạn 2021 – 2030 cũng nêu rõ: Mục tiêu phát triển Ninh Thuận trở thành Trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước theo hướng đầu tư đồng bộ và hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất giống thủy sản công nghệ cao; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vi sinh, công nghệ di truyền chọn giống, công nghệ xử lý nước, công nghệ thông tin, công nghệ số… để nâng cao chất lượng tôm giống, đưa tôm giống Ninh Thuận trở thành ngành sản xuất hàng hóa có hàm lượng khoa học công nghệ cao; xây dựng và phát triển các hình thức hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc sản xuất và tiêu thụ con giống, đảm bảo giữ vững uy tín thương hiệu và năng lực cạnh tranh của sản phẩm “Tôm giống Ninh Thuận”.

Quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao.

Tại buổi tiếp và làm việc của đoàn công tác Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn với Hiệp hội Tôm giống Ninh Thuận ngày 16/4 vừa qua; ông Lê Văn Quê, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã sản xuất được 8 tỷ con tôm giống, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023.

Cùng đó, các đơn vị sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh đã nhập khẩu trên 25.000 con tôm bố mẹ. Hiện, Hiệp hội Tôm giống Ninh Thuận có 70 thành viên nhưng chiếm trên 70% sản lượng tôm giống toàn tỉnh, điều này cho thấy các thành viên trong Hiệp hội là những doanh nghiệp lớn. Hầu hết các thành viên của Hiệp hội đều sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận” trên nhãn mác để truy xuất nguồn gốc, quảng bá thương hiệu và khẳng định uy tín trên thị trường.

Được biết, để nâng cao chất và lượng tôm giống, các doanh nghiệp sản xuất tôm giống ở Ninh Thuận đã ứng dụng thành tựu khoa học vào sản xuất tôm giống như: công nghệ xử lý nước bằng hệ thống siêu lọc, tích hợp tia cực tím (UV), công nghệ ozone, công nghệ sinh học để quản lý, kiểm soát chất lượng nước.

Hiện nay, các cơ sở đã loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh, hóa chất độc hại trong suốt quá trình ương dưỡng tôm giống. Bên cạnh đó, một số cơ sở cũng đã kết hợp áp dụng các tiêu chuẩn BMP, VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn OIE vào hệ thống quản lý, kiểm soát chất lượng con giống. Nhờ đó, chất lượng con giống ngày càng được nâng cao, khẳng định uy tín của tỉnh.

Cần được quan tâm đúng mức

Để tôm giống Ninh Thuận phát triển hơn nữa, chất lượng con giống ngày càng được nâng cao, ông Lê Văn Quê đề nghị trong quy hoạch vùng của tỉnh sắp tới, mong Sở NN&PTNT đề xuất lên UBND tỉnh sớm quy hoạch vùng nuôi giống thủy sản Ninh Hải để các hội viên yên tâm đầu tư trang trại đảm bảo an toàn sinh học để sản xuất con giống ngày càng tốt hơn.

Bên cạnh đó, các hội viên đang trăn trở, vùng biển Ninh Thuận trước đây quy hoạch vùng C1, C2, C3 nuôi lồng bè nhưng hiện nay có sự chồng chéo, người dân nuôi lồng bè tràn lan. Mặc dù, tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt trong việc di dời nhưng thực trạng vẫn còn lộn xộn ảnh hưởng đến sản xuất con giống. Theo ông Quê, sản xuất tôm giống được xác định là nhiệm vụ quốc gia để hướng tới xuất khẩu, do đó việc đầu tư sản xuất tôm giống cũng cần được quan tâm đúng mức.

Hiện nay, Nhà nước đã có chính sách miễn thuế cho doanh nghiệp nuôi tôm. Tuy nhiên, ngân hàng cần có chính sách cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất tôm giống, bởi sản xuất con giống cần nguồn vốn lớn, nếu được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng con giống.

Chia sẻ tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị Hiệp hội Tôm giống Ninh Thuận phối hợp với Cục Thủy sản từ giờ đến cuối năm xây dựng các kế hoạch để triển khai, trong đó ưu tiên phát triển con giống. Bên cạnh đó, với nguồn vốn vay yêu cầu Hiệp hội tổng hợp lại gửi Bộ NN&PTNT phê duyệt. Từ đó, Bộ sẽ có công văn gửi ngân hàng Nhà nước hỗ trợ.

Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tinh Ninh Thuận nhấn mạnh, nhằm phát huy thế mạnh về sản xuất tôm giống trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất giống thủy sản tập trung. Tỉnh sẽ tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào các vùng đã quy hoạch, đồng thời đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, nâng cao uy tín chất lượng tôm giống Ninh Thuận đến các địa phương nuôi tôm thương phẩm trên phạm vi cả nước.

Nguồn: thuysanvietnam.com.vn

Bài viết liên quan

Bạc Liêu thu hoạch hơn 300 nghìn tấn tôm trong năm 2024

16 Th1 2025
Năm 2024, diện tích nuôi tôm nước lợ trên toàn tỉnh đạt 132.663 ha, sản lượng đạt 313.344 tấn, khẳng định...

Thủy sản năm 2025 với cơ hội thị trường Trung Quốc

13 Th1 2025
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc năm...

Công nghệ Biofloc vượt trội hơn RAS trong nuôi tôm thẻ siêu thâm canh

09 Th1 2025
Hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS – Recirculating Aquaculture System) và Công nghệ Biofloc (BFT –...

Lợi ích và hạn chế của mô hình nuôi tôm nhà lưới

06 Th1 2025
Việc lắp đặt nhà lưới trong nuôi tôm ngày càng phổ biến ở Việt Nam vì nó giúp giải quyết nhiều vấn đề...

Tại sao Ấn Độ – Quốc gia xuất khẩu tôm lớn thứ 2 lại chú trọn...

03 Th1 2025
Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu tôm lớn thứ hai trên thế giới, chiếm tỷ trọng đáng kể trong chuỗi cung ứng...