Ngành thủy sản quý 1, trọng tâm quý 2 và nhiệm vụ Chính phủ giao trong năm 2025
Dựa trên kết quả đạt được trong quý 1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm cho quý 2, tập trung vào những công việc then chốt được Chính phủ giao nhằm hoàn thành kế hoạch năm 2025.

Tình hình thủy sản quý 1
Tổng sản lượng thủy sản trong ba tháng đầu năm đạt gần 2 triệu tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, sản lượng khai thác đạt 879,8 nghìn tấn, tăng nhẹ 0,1% (trong đó khai thác biển là 832 nghìn tấn, tăng 0,2%); sản lượng nuôi trồng đạt 1.113,6 nghìn tấn, tăng 5,1% (riêng cá tra đạt 380,5 nghìn tấn, tăng 5,1%; tôm đạt 170 nghìn tấn, tăng 5,5%).
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong quý 1 đạt 2,45 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mặt hàng tôm đạt 931,6 triệu USD (tăng 35,7%) và cá tra đạt 465 triệu USD (tăng 13%).
Bộ NN&PTNT cho biết, mức tăng trưởng xuất khẩu thủy sản cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành nông, lâm, thủy sản (13,1%), đồng thời vượt trội so với các nhóm hàng khác như: nông sản tăng 12,2%, lâm sản tăng 11,2% và sản phẩm chăn nuôi tăng 18,5%.
Bộ cũng đã chủ động xử lý các sự cố liên quan đến an toàn thực phẩm, các trường hợp bị cảnh báo ở các thị trường nhập khẩu, đồng thời đàm phán tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để mở rộng thị trường. Đơn cử như vụ lô hàng bị Trung Quốc cảnh báo vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Với thị trường châu Âu, Bộ đã hoàn tất báo cáo kết quả chương trình giám sát dư lượng và nhuyễn thể hai mảnh vỏ, gửi tới cơ quan thẩm quyền của EU trước thời hạn 31/3/2025. Đối với thị trường Indonesia, vào ngày 13/3/2025, Bộ đã có công văn gửi phía Indonesia về mẫu chứng từ cho lô hàng thủy sản xuất khẩu.
Định hướng và giải pháp trong quý 2
Giá cá tra thương phẩm vào cuối tháng 3 tăng lên mức 31.500 – 33.500 đồng/kg, còn cá tra giống dao động trong khoảng 55.000 – 57.000 đồng/kg. Giá tôm cũng ghi nhận xu hướng tăng. Tuy nhiên, đầu tháng 4, do ảnh hưởng từ chính sách thuế của Hoa Kỳ, giá cá tra thương phẩm đã giảm từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg, đồng thời giá tôm nguyên liệu cũng có dấu hiệu giảm, diễn biến thị trường trở nên khó dự đoán.
Trong quý 2, Bộ NN&PTNT tiếp tục giải quyết những vấn đề phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, đồng thời mở rộng sang những thị trường tiềm năng như các quốc gia Hồi giáo Halal, Trung Đông, và châu Phi. Các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA sẽ được tận dụng tối đa để hỗ trợ doanh nghiệp ký kết thêm đơn hàng.
Về nuôi trồng, Bộ sẽ triển khai các giải pháp nhằm phát triển giống tôm nước lợ, thúc đẩy ngành hàng cá tra, đồng thời khai thác thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững và có trách nhiệm. Việc phát triển nuôi các loài thủy sản chủ lực và nuôi biển sẽ hướng đến nâng cao giá trị thương mại.
Một trong những trọng tâm là siết chặt kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đặc biệt tại các vùng biển phía Bắc và Nam. Bộ sẽ duy trì hoạt động trực ban tiếp nhận thông tin từ ngư dân, thông qua đường dây nóng kết nối với các quốc gia có liên quan.
Thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm do Chính phủ giao
Trong năm 2025, Bộ NN&PTNT được Chính phủ giao thực hiện các nhiệm vụ then chốt theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 8/1/2025. Trong lĩnh vực thủy sản, những nội dung đáng chú ý hiện đang được triển khai mạnh mẽ và dự kiến sẽ hoàn tất trong năm nay, bao gồm:
– Triển khai đề án phát triển khu vực Quảng Ninh – Hải Phòng thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm khu vực Đông Nam Á, đóng vai trò đầu tàu phát triển vùng.
– Hoàn thiện Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa giai đoạn 2026 – 2030 (chuyển tiếp từ năm 2024), trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 12/2025.
– Thực hiện chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ tại khu vực Trung Bộ, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng thủy sản nước lợ và bảo vệ nguồn lợi.
– Điều tra, phân loại và lập danh mục các nguồn nước mặt sông liên tỉnh đang bị ô nhiễm, suy giảm hoặc cạn kiệt trên toàn quốc, hỗ trợ các địa phương bảo vệ tài nguyên nước và nguồn lợi thủy sản, đồng thời khắc phục hạn chế do chia cắt hành chính.
Nguồn: Tepbac.com