Năm 2025: Cơ hội xuất khẩu rộng mở

07 Th2 2025

Năm 2024, chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã về đích ấn tượng, với kim ngạch ước đạt khoảng 10,07 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm 2023. Đây là thành quả xuất sắc của ngành thủy sản trong bối cảnh khó chồng khó với cả sản xuất lẫn xuất khẩu.

Khẳng định vững chắc vị thế

Thủy sản là một trong những lĩnh vực có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Đồng thời, trong vài năm trở lại đây, xuất khẩu thủy sản nước ta vẫn vững vị trí thứ ba thế giới, chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thủy sản toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc và Na Uy.

Hiện nay, quy mô phát triển của ngành thủy sản ngày càng mở rộng. Thương hiệu thủy sản Việt Nam không chỉ được khẳng định trong nước mà còn được đón nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới. Bằng chứng là đến nay, sản phẩm thủy sản nước ta đã hiện diện tại hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đang được xếp vào nhóm các quốc gia có khả năng và năng lực cạnh tranh cao trong ngành thủy sản.
Phát biểu trong buổi lễ mừng thành tích 10 tỷ USD trong xuất khẩu mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Sắc – Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong bối cảnh năm 2024 khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nhưng với tinh thần sáng tạo, khả năng thích ứng linh hoạt ngành thủy sản Việt Nam đã đạt được thành tích ấn tượng. Trong đó, các mặt hàng chủ lực đều tăng trưởng tích cực.
Cụ thể, năm 2024, xuất khẩu tôm đạt kim ngạch 4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2023, bất chấp khó khăn và thách thức từ lạm phát toàn cầu và cạnh tranh gay gắt của các cường quốc tôm khác là Ấn Độ, Ecuador hay Indonesia. Với cá tra, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này là 2 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, xuất khẩu các sản phẩm hải sản khai thác như cá ngừ, cua, ghẹ, mực, bạch tuộc, và nhuyễn thể có vỏ đạt hơn 4 tỷ USD, dù phải đối mặt với nhiều thách thức về nguồn nguyên liệu và các quy định về IUU.
“Những con số này không chỉ phản ánh sự hồi phục tích cực mà còn thể hiện ngành thủy sản Việt Nam đang đi đúng hướng trong chiến lược phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm”, bà Nguyễn Thị Thu Sắc nhấn mạnh.

Vượt thách thức thành công

Năm 2023, do lạm phát cao, nhu cầu giảm, tồn kho lớn, giá xuất khẩu giảm và những khó khăn, bất cập trong sản xuất kinh doanh trong nước đã khiến kết quả xuất khẩu sụt giảm. Dự báo, những trở ngại này còn tiếp tục kéo dài, chính vì thế, Bộ NN&PTNT đã giảm chỉ tiêu xuất khẩu trong năm 2024 xuống mức 9,5 tỷ USD.
Khi đó, đã có nhiều nguyên nhân được chỉ ra về sự điều chỉnh này. Trước tiên, đó là việc Ủy ban châu Âu (EC) duy trì giữ cảnh báo “Thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu chưa có dấu hiệu hồi phục, sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thị trường và lượng tồn kho của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Còn đối với nuôi trồng thủy sản, ngoài truy xuất nguồn gốc từ cơ sở nuôi đến nhà máy chế biến và xuất khẩu, bảo đảm an toàn thực phẩm, sử dụng đúng và tăng cường sản phẩm vi sinh cho bảo đảm chất lượng.
Cùng đó, mặc dù lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản. Xung đột Nga – Ukraine, giao tranh ở Trung Đông… có thể làm xáo trộn thương mại toàn cầu. Thêm nữa, chi phí vận tải tăng, các giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng.
Vượt qua lớp lớp khó khăn, thách thức, năm 2024, ngành thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Kết quả này không chỉ khẳng định riêng thành công của ngành thủy sản, mà còn đóng góp quan trọng vào thành tích kỷ lục 62,5 tỷ USD của ngành nông nghiệp trong năm 2024.
Đúng như nhận định của Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, 2024 là năm có bước tiến ngoạn mục trong xuất khẩu thủy sản. Đây là tín hiệu tích cực giúp cho người nuôi và các doanh nghiệp thêm động lực vệ sự phục hồi của thị trường và khả năng cung ứng của thủy sản Việt Nam trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Tự tin hướng mục tiêu mới

Theo đại diện VASEP, năm 2025 ngành thủy sản Việt Nam có nhiều cơ hội để tăng trưởng mạnh nhờ những tín hiệu tích cực từ kinh tế thế giới. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, và Trung Quốc đang hồi phục, kéo theo nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản tăng trưởng tích cực. Đồng thời, các thị trường mới nổi như châu Phi, Đông Nam Á, và Trung Đông cũng hứa hẹn mở rộng, tạo thêm cơ hội cho sản phẩm thủy sản Việt Nam.

Năm 2024, Trung Quốc – Hồng Kông vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam, đạt 1,92 tỷ USD, tăng 26,8% so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng 19,2% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản chung. Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường: Bên cạnh những cơ hội, hoạt động xuất nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Quy định kỹ thuật, thủ tục xuất khẩu ngày càng chặt chẽ, trong khi yêu cầu về chuẩn hóa sản phẩm và sự cạnh tranh trong khu vực tăng cao.
Còn tại thị trường Mỹ, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của thị trường này dự báo vẫn khả quan. Và theo nhận định của nhiều chuyên gia, Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump có thể tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Cụ thể, nước này có thể giảm nhập khẩu thủy sản từ Trung Quốc và tìm kiếm các nguồn cung thay thế, trong đó có Việt Nam. Đây có thể là cơ hội để hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra chiếm lĩnh cơ hội.
Để đẩy mạnh xuất khẩu, Chính phủ đã có những chương trình lớn để tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại. Đơn cử, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu nâng quy mô chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản và thủy sản lên khoảng 50.000 – 60.000 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi. Cùng đó, phê duyệt nhiều chương trình lớn để đảm bảo phát triển bền vững ngành thủy sản như: Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030

Khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngoài ra, 16 Hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia sẽ giúp ngành thủy sản mở rộng thị trường, tận dụng ưu đãi thuế quan. Mặt khác, Halal được đánh giá là một thị trường tiềm năng, tạo cơ hội để Việt Nam dần chinh phục và đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường này. Đây tiếp tục là cơ hội để ngành thủy sản Việt Nam duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025.
Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng, năm 2025, dự báo nhu cầu sản phẩm thủy sản của thế giới sẽ tăng. Ngoài ra, chúng ta có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia đối thủ nhờ năng lực sản xuất vượt trội.
“Tin rằng, với sự chỉ đạo kịp thời về mọi mặt, sự thích ứng, tổ chức gắn kết chặt chẽ giữa các thành phần trong chuối giá trị, cùng sự tích cực trong công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất trong năm 2025 tiếp tục gặt hái được những thành công, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ duy trì tăng trưởng”, Cục trưởng Trần Đình Luân tin tưởng.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng khẳng định, thủy sản là một trong những ngành hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực, có năng lực cạnh tranh cao, đi đầu trong chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của Việt Nam.
“Dư địa để phát triển còn rất lớn, với ước tính thị trường cho thủy sản toàn cầu là gần 180 tỷ USD và duy trì tốc độ tăng trưởng rất khả quan. Do đó, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để đặt mục tiêu xa hơn, không chỉ là 10 tỷ USD”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nhận định.

Nguồn: thuysanvietnam.com

Bài viết liên quan

Cập nhật giá tôm thẻ hiện nay và dự báo xu hướng thị trường

04 Th2 2025
Tôm thẻ chân trắng đã trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhờ vào chất...

Tôm thẻ cần đáp ứng các yêu cầu gì khi xuất khẩu?

23 Th1 2025
Trong báo cáo xuất khẩu hàng năm, tôm thẻ đóng vai trò là một trong những sản phẩm chủ lực đối với nhiều...

So sánh giá tôm thẻ tại các thị trường hiện nay

20 Th1 2025
Thị trường tôm thẻ chân trắng quốc tế có sự biến động mạnh mẽ, đặc biệt vào dịp cuối năm và đầu...

Bạc Liêu thu hoạch hơn 300 nghìn tấn tôm trong năm 2024

16 Th1 2025
Năm 2024, diện tích nuôi tôm nước lợ trên toàn tỉnh đạt 132.663 ha, sản lượng đạt 313.344 tấn, khẳng định...

Thủy sản năm 2025 với cơ hội thị trường Trung Quốc

13 Th1 2025
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc năm...