Mục tiêu mở rộng diện tích và sản lượng nuôi tôm
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lao động dồi dào và công nghệ nuôi tiên tiến, Việt Nam đang đặt mục tiêu mở rộng diện tích và sản lượng nuôi tôm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường nội địa và quốc tế. Năm 2025, ngành nuôi tôm được kỳ vọng sẽ đạt được nhiều bước tiến đột phá, góp phần thúc đẩy kinh tế và nâng cao đời sống người dân vùng ven biển.

Mở rộng diện tích và sản lượng nuôi tôm là mục tiêu của ngành tôm năm 2025
Thực trạng và kế hoạch phát triển diện tích nuôi tôm
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2024, diện tích nuôi tôm nước lợ ước đạt 737.000 ha, trong đó tôm sú chiếm 622.000 ha và tôm chân trắng chiếm 115.000 ha. Dự kiến năm 2025, con số này sẽ tăng lên 750.000 ha, tăng 1,8% so với năm 2024. Sự gia tăng này nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định, góp phần tăng trưởng ngành thủy sản.
Năm 2024, sản lượng nuôi tôm ước đạt 1.264.300 tấn, tăng 5,3% so với năm 2023. Trong đó, tôm sú đạt 283.900 tấn (tăng 3.2%) và tôm chân trắng đạt 980.400 tấn (tăng 6%). Dự kiến năm 2025, sản lượng sẽ đạt 1.290.000 tấn, tăng 2% so với năm 2024, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ thị trường quốc tế.
Làm gì để ngành tôm triển bền vững
Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển, ngành nuôi tôm Việt Nam vẫn đang đối mặt với một số thách thức lớn như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường nước, dịch bệnh và áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, ngành nuôi tôm cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Nghiên cứu và ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao
Việc áp dụng công nghệ tiên tiến giúp tăng năng suất và giảm thiểu rủi ro trong nuôi tôm. Các mô hình nuôi tôm tuần hoàn khép kín (RAS), nuôi tôm siêu thâm canh Biofloc, hay sử dụng chế phẩm sinh học thay thế hóa chất kháng sinh là những giải pháp cần thiết để phát triển bền vững.
Cải tiến giống tôm chất lượng cao
Nâng cao chất lượng giống tôm bằng cách chọn lọc tôm bố mẹ có khả năng sinh trưởng tốt, kháng bệnh cao và thích nghi với điều kiện môi trường biến đổi sẽ giúp gia tăng năng suất nuôi.
Kiểm soát dịch bệnh
Dịch bệnh luôn là mối lo ngại lớn trong nuôi tôm. Việc áp dụng các biện pháp phòng bệnh chủ động, như sử dụng vi sinh, chế phẩm sinh học, quản lý môi trường ao nuôi và tuân thủ quy trình kiểm soát chất lượng nước, sẽ giúp giảm thiểu rủi ro dịch bệnh.
Tôm gắn liền với phát triển bền vững
Các mô hình nuôi tôm kết hợp với rừng ngập mặn, nuôi tôm sinh thái, hoặc nuôi tôm hữu cơ sẽ giúp giảm tác động đến môi trường, đồng thời nâng cao giá trị xuất khẩu nhờ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Tạo liên kết giá trị trong ngành tôm
Việc xây dựng chuỗi cung ứng khép kín từ sản xuất con giống, thức ăn, quy trình nuôi, thu hoạch đến chế biến và xuất khẩu sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, giảm chi phí trung gian và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Với mục tiêu đạt 750.000 ha diện tích nuôi tôm và 1.290.000 tấn sản lượng vào năm 2025, ngành nuôi tôm Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển theo hướng bền vững. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, cải tiến giống, phát triển mô hình nuôi sinh thái và tăng cường kiểm soát dịch bệnh sẽ giúp ngành thủy sản Việt Nam nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế, đồng thời đảm bảo hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường lâu dài.
Nguồn: Tepbac.com