Một số lưu ý khi nuôi tôm thẻ chân trắng trong mùa mưa
Vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là những lúc mưa lớn kéo dài sẽ tạo điều kiện xuất hiện các mầm bệnh tiềm ẩn trong ao nuôi, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm thẻ chân trắng và hiệu quả mô hình của người nuôi.
Vì vậy, việc nắm được những ảnh hưởng tiêu cực của môi trường đối với ao nuôi vào mùa mưa là một yêu cầu cần thiết, nếu muốn tăng tỉ lệ thành công của mô hình. Theo đó, bài viết sẽ đưa ra một số lưu ý khi nuôi tôm thẻ chân trắng trong mùa mưa như sau:

Thứ nhất, một số vấn đề, hiện tượng mà người nuôi tôm thẻ thường gặp trong mùa mưa
Nhiệt độ nước, ôxy hòa tan, pH, độ kiềm và độ mặn thay đổi đột ngột; mùn bã hữu cơ được tạo ra và có thể tích tụ nhiều hơn dưới đáy ao; thiếu ánh sáng, tảo thiếu điều kiện quang hợp, không phát triển được dẫn đến sụp tảo; nồng độ khí độc H2S, NH3, NO2 đột ngột gia tăng do nhiều nguyên nhân; các nhóm vi khuẩn có hại phát triển và lấn áp vi khuẩn có lợi; tiếng ồn trong lúc mưa làm tôm stress; tôm lột xác nhiều bởi pH, nhiệt độ, độ mặn và tảo tàn đột ngột làm thay đổi hàng loạt yếu tố môi trường.
Từ những vấn đề đó, sẽ gây ra hiện tượng: Tôm giảm ăn; tôm chết, bởi sự thay đổi đột ngột các yếu tố môi trường, stress và mầm bệnh bùng phát. Vì tiếng ồn của mưa khiến tôm sợ hãi và di chuyển xuống đáy ao, nơi ít tiếng ồn, có nhiệt độ ấm và ổn định hơn. Tuy nhiên, đây lại là nơi nguy hiểm vì chứa nhiều chất thải và vi khuẩn. Do đó, tôm bị lột xác vào thời điểm này, sức đề kháng thấp sẽ dễ bị nhiễm bệnh, nếu có một vài con bị nhiễm sẽ là tác nhân truyền bệnh cho cả đàn và là nguyên nhân bùng phát dịch trong ao nuôi.
Mưa sẽ làm đáy ao bị xáo trộn, tôm sẽ dễ vùi xuống bùn khiến khí độc khuếch tán, dinh dưỡng cũng khuếch tán vào nước làm vi khuẩn có cơ hội phát triển nhanh. Mưa sẽ làm thiếu oxy dưới đáy và cả trên các tầng nước, sẽ làm một số lượng lớn tôm có thể vùi xuống bùn, khiến tôm stress bởi sự cạnh tranh và xâm chiếm vị trí lẫn nhau; tôm đang trong giai đoạn lột vỏ sẽ có nguy cơ mềm vỏ vì bị kích thích đột ngột;
Ngoài ra, mưa làm nồng độ các khoáng chất trong nước giảm khiến việc tái tạo vỏ càng khó khăn hơn. Khi mùa mưa đến thường kéo theo sự giảm nhiệt độ (khoảng 5 – 6°C), đôi khi có thể thay đổi tùy theo các điều kiện khí quyển khác nhau. Việc hấp thụ thức ăn của tôm phụ thuộc chủ yếu vào nhiệt độ, nên khi nhiệt độ nước ao giảm 1°C có thể dẫn đến việc tiêu thụ thức ăn của tôm giảm từ 5 – 10%. Khi nhiệt độ giảm đột ngột 30C, tôm giảm ăn tới 30 – 50%. Đây sẽ là thời điểm nhạy cảm nhất để tôm dễ nhiễm bệnh vì trong ao lúc nào cũng tồn tại mầm bệnh.
Còn khi nhiệt độ tăng lên lại, vi khuẩn sẽ tăng sinh khối đột biến bởi lượng dinh dưỡng hữu cơ rất nhiều. Việc này sẽ lấy đi rất nhiều oxy trong nước khiến thiếu oxy. Tỷ lệ chết khi gặp mưa lớn giao động từ 2 – 3%, thậm chí tới 50% nếu mưa kéo dài cả tuần.
Thứ hai, những việc cần lưu ý, chuẩn bị để phòng ngừa sự cố khi nuôi tôm trong mùa mưa và mưa lớn kéo dài
Thường xuyên theo dõi và cập nhật dự báo thời tiết, để có biện pháp ứng phó kịp thời, không cho tôm ăn khi đang mưa; chuẩn bị tốt hệ thống điện và dàn quạt để cung cấp tối đa lượng oxy cho ao nuôi. Đảm bảo tất cả các thiết bị sục khí hoạt động bình thường để duy trì mức DO có thể chấp nhận được (mức lý tưởng là trên 5 ppm); xả bớt nước bề mặt để ngăn độ mặn giảm đáng kể nếu có điều kiện; kiểm tra môi trường và test khuẩn sau mưa; kiểm soát pH dưới 7, 8 để ngừa một số loại tảo độc phát triển, gây ảnh hưởng xấu đến gan và đường ruột tôm.
Lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động đảm bảo việc theo dõi, cập nhật các thông số môi trường ao nuôi một cách thường xuyên và có thể cung cấp cho người nuôi các dữ liệu thông số môi trường trong suốt vụ nuôi. Hệ thống quan trắc môi trường tự động có thể được kết hợp với hệ thống cảnh báo thời tiết để thông báo cho người nuôi diễn biến của thời tiết sắp xảy ra. Thay vì kiểm tra dự báo thời tiết theo cách thủ công, có thể được kết hợp với các cảm biến nước để tạo ra một hệ thống thuận tiện, giúp người nuôi có sự chuẩn bị cho những cơn bão sắp đến.
Rải vôi xung quanh ao để phòng ngừa các hiện tượng giảm pH, xì phèn, khu mưa lớn đột ngột. Theo dõi các thông số chất lượng nước quan trọng thường xuyên như DO, pH và độ kiềm. Tăng độ kiềm bằng cách sử dụng CaO, CaCO3 hoặc CaMg (CO3)2; giảm tỷ lệ cho ăn và theo dõi điều kiện ao nuôi; điều chỉnh tỷ lệ cho ăn sao cho phù hợp.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả bà con nên sử dụng khoáng thảo dược của High Tech Pharma với công dụng:
- Bổ sung Ca, Mg, vi khoáng, ổn định độ kiềm, xử lý khi độc.
- Giúp tôm lột xác đồng đều, chắc vỏ, sáng bóng.
- Giảm thiểu cong thân đục cơ, hoại tử cơ, đen mang.
(Phòng Kỹ Thuật TTKN TP.HCM)