Lợi ích và hạn chế của mô hình nuôi tôm nhà lưới
Việc lắp đặt nhà lưới trong nuôi tôm ngày càng phổ biến ở Việt Nam vì nó giúp giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và môi trường. Với đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ cao và biến động lớn giữa các mùa, việc kiểm soát môi trường trong quá trình nuôi là yếu tố quyết định sự thành công của vụ nuôi
Mô hình nuôi tôm trong nhà lưới giúp bà con kiểm soát các yếu tố môi trường tốt hơn
Nuôi tôm trong nhà lưới là như thế nào?
Nuôi tôm trong nhà lưới là một mô hình nuôi tôm hiện đại, trong đó tôm được nuôi trong ao hoặc bể có mái che bằng lưới, nhựa PE hoặc các vật liệu tương tự. Tôm nuôi dưới nhà lưới thường có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn và ít bị bệnh hơn so với nuôi trong điều kiện tự nhiên không có che chắn.
Bên cạnh đó, lưới chống nắng còn giúp hạn chế bức xạ mặt trời, giảm sự phát triển của tảo và các loại vi sinh vật có hại trong nước, từ đó duy trì chất lượng nước ao nuôi. Nhờ vậy, tôm có môi trường sống tốt hơn, giảm thiểu các vấn đề về ô nhiễm và cải thiện điều kiện sống, mang lại hiệu quả cao cho người nuôi.
Đặc điểm của thiết kế nhà lưới
Nhà lưới chống nắng cho ao nuôi tôm thường được thiết kế đơn giản nhưng hiệu quả, bao gồm các thành phần chính như:
– Khung nhà lưới: Được làm từ vật liệu chắc chắn như thép không gỉ hoặc nhôm, khung nhà lưới phải đủ mạnh để chịu được gió và thời tiết khắc nghiệt.
– Lưới chống nắng: Loại lưới này thường được làm từ chất liệu polyethylene (PE) hoặc polypropylene (PP), có khả năng chống tia UV và bền bỉ dưới tác động của môi trường. Lưới có thể giảm bớt từ 30- 50% lượng ánh sáng mặt trời chiếu xuống ao nuôi.
– Hệ thống căng và neo lưới: Để đảm bảo lưới luôn căng và không bị xê dịch dưới tác động của gió, hệ thống căng và neo lưới được thiết kế kỹ lưỡng với các dây cáp và neo chắc chắn.
Ưu điểm
Bảo vệ tôm khỏi tác động môi trường
Hạn chế nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, đặc biệt trong các khu vực có thời tiết khắc nghiệt. Giảm nguy cơ tôm bị dịch bệnh lây lan từ các tác nhân bên ngoài.
Nuôi tôm nhà lưới nhằm bảo vệ tôm khỏi tác động môi trường
Kiểm soát dịch bệnh tốt hơn
Kỹ thuật này đang dần thay thế các mô hình nuôi tôm truyền thống: phát triển nuôi tôm không kiểm soát, ngoài quy hoạch, dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước …
Mô hình nuôi tôm trong nhà lưới có nguồn nước tự nhiên sau khi lắng, lọc được đưa vào ao nuôi, sau đó được xử lý bằng hóa chất, kháng sinh để tạo pH, kiềm, vi sinh cho tôm nuôi. Do nước ao hoàn toàn là nhân tạo và hạn chế ảnh hưởng tự nhiên từ bên ngoài nên môi trường ao nuôi ở mô hình này rất ổn định, đồng thời tăng hiệu quả khi điều chỉnh môi trường ao nuôi, giúp nâng cao hiệu quả quản lý dịch bệnh trên ao nuôi.
Tăng năng suất và chất lượng
Mô hình này có thể hạn chế sự lây lan của mầm bệnh đến 70%. Chính vì có thể kiểm soát tốt những yếu tố môi trường nên có thể thả tôm mật độ cao từ 200 – 400 con/m2, có thể nuôi 3 – 4 vụ/năm, tôm lớn nhanh, phát triển đồng đều, đạt chất lượng giúp tăng cao năng suất nuôi.
Hạn chế của mô hình
Đầu tư xây dựng nhà lưới, không những nuôi được tôm thuận lợi vào mùa nắng nóng mà còn phù hợp với mùa đông, khi nhiệt độ xuống thấp. Vì vậy, mỗi năm có thể nuôi 3 – 4 lứa tôm, cho năng suất cao.
Tuy nhiên, để làm được nhà lưới đòi hỏi chi phí đầu tư cao, trong khi điều kiện kinh tế của phần lớn người nuôi tôm còn khó khăn, nên không phải người nuôi tôm nào cũng có đủ khả năng để đáp ứng điều này. Bởi thế, một số hộ nuôi có 1 ha ao đầm mà hiện tại mới đầu tư làm nhà che tấm lưới mới chỉ được một phần, phần diện tích ao đầm còn lại vẫn đang nuôi ngoài trời cũng tiềm ẩn rủi ro cao.
Mặc dù việc xây dựng nhà lưới chống nắng ban đầu đòi hỏi một khoản đầu tư nhất định, nhưng về lâu dài, nó giúp giảm chi phí vận hành và bảo dưỡng ao nuôi, giảm rủi ro và tổn thất do bệnh tật và môi trường. Năng suất và chất lượng tôm được nâng cao, từ đó cải thiện kinh tế cho nông dân.
Nguồn: Tepbac.com