Nghệ An: Ứng dụng công nghệ quản lý tự động các yếu tố môi trường trong nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn
Trong các công nghệ cao được ứng dụng vào nuôi trồng thủy sản thì công nghệ giám sát, quản lý môi trường nuôi tự động là một trong những hướng đi được tập trung nghiên cứu và phát triển.
Dự án nghiên cứu thử nghiệm xây dựng mô hình: Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ quản lý tự động các yếu tố môi trường trong nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An làm chủ trì thực hiện đã mang lại hiệu quả bước đầu trong việc phát triển bền vững nghề nuôi tôm ở địa phương.
Trao đổi với chúng tôi khi vừa thu hoạch xong vụ nuôi thứ 2 của dự án, ông Nguyễn Viết Thắng xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu cho biết: Dự án được thực hiện trên tổng diện tích vùng nuôi 01ha (10.000 m2), trong đó 2.700m2 bể nuôi và 7.300 m2 ao sẵn sàng, ao chứa, ao lắng, ao xử lý nước thải, nhà kho, nhà làm việc. Phần bể nuôi bao gồm các ao nuôi nổi bằng khung kim loại phủ bạt đen diện tích bể nuôi giai đoạn 1 là 500m2, ao nuôi giai đoạn 2 là 700m2, ao nuôi giai đoạn 3 là 1.500m2 và được che phủ toàn bộ bằng lưới lan che nắng. Các ao lắp đặt đầy đủ hệ thống siphon, quạt nước và sục oxy đáy.
Khi thực hiện dự án vùng nuôi của ông Thắng được lắp đặt hệ thống giám sát và cảnh báo môi trường nước tự động của hãng Tép bạc. Đây là hệ thống có chức năng giám sát tự động các chỉ tiêu chất lượng nước trong ao nuôi gồm ôxy hòa tan, nhiệt độ, độ pH, độ mặn và tiềm năng oxy hóa khử (ORP); tự động gửi cảnh báo thông số vượt ngưỡng cho phép qua tin nhắn SMS; đồng thời, lưu trữ, phân tích và truy xuất dữ liệu lịch sử vụ nuôi thường xuyên.
Ông Thắng cho hay, ở 2 vụ nuôi tôm ông thả nuôi giai đoạn 1 với mật độ thả 500 con/m2, áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn giảm chất thải do Tổng cục Thuỷ sản ban hành.
Vụ nuôi thứ nhất bắt đầu thả giống vào tháng 8/2023 số lượng thả 500.000 con/bể 500m2 cỡ giống thả PL12, chiều dài từ 11-12mm/con, giai đoạn 1 cỡ tôm thả PL12 mật độ thả 1.000 – 1.500 con/m2. Sau 25 ngày thả nuôi cỡ tôm đạt 1.200 – 1.500 con/kg, tỷ lệ sống đạt 96% tiến hành chuyển sang nuôi giai đoạn 2, mật độ thả 450 – 500 con/m2 với thời gian nuôi 22 ngày cỡ tôm đạt 100 – 120 con/kg tỷ lệ sống đạt 90%. Tiếp tục chuyển sang nuôi giai đoạn 3 với thời gian nuôi 35 ngày tôm đạt kích cỡ 30 – 40 con/kg, tỷ lệ sống đạt 88%. Tỷ lệ sống chung cho cả 3 giai đoạn là 76%, sản lượng tôm thu được 10,5 tấn/1 vụ nuôi, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR): 1.17. Như vậy sau vụ nuôi tôm thứ nhất do có sự đầu tư quản lý chặt chẽ của chủ hộ, các yếu tố môi trường bể nuôi, ao nuôi được cập nhật liên tục, được quản lý chặt chẽ nằm trong ngưỡng thích hợp cho tôm phát triển nên chỉ sau hơn 3 tháng nuôi tôm đã đạt kích cỡ 30 – 40 con/kg. Tổng thu tôm vụ 1 đạt 10,5 tấn, với giá bán bình quân 200.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, vụ 1 cho lợi nhuận trên 1 tỷ đồng.
Vụ nuôi tôm thứ 2 thời gian bắt đầu thả giống vào tháng 11/2023, số lượng thả 500.000 con/bể 500m2 cỡ giống thả PL12, chiều dài từ 11-12mm/con. Do điều kiện thời tiết miền Bắc nói chung và Nghệ An nói riêng có sự biến động về nhiệt độ rất lớn, có những đợt rét đậm làm cho nhiệt độ môi trường nước giảm xuống dưới ngưỡng thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi nên tôm phát triển chậm hơn, thời gian nuôi kéo dài hơn. Kết quả đạt được như sau: Giai đoạn 1 cỡ tôm thả PL12 mật độ thả 1.000 – 1.500 con/m2, sau 30 ngày thả nuôi cỡ tôm đạt 1.500 – 1.800 con/kg, tỷ lệ sống đạt 94% tiến hành chuyển sang nuôi giai đoạn 2 mật độ thả 450 – 500con/m2 với thời gian nuôi 35 ngày cỡ tôm đạt 180 – 200 con/kg tỷ lệ sống đạt 92%. Tiếp tục chuyển sang nuôi giai đoạn 3 với thời gian nuôi 75 ngày tôm đạt kích cỡ 40 – 45con/kg, tỷ lệ sống đạt 87%. Tỷ lệ sống chung cho cả 3 giai đoạn là 75%, sản lượng tôm thu được 8,5 tấn/1 vụ nuôi. Vụ nuôi tôm thứ hai mặc dù thời thiết không thuận lợi như nuôi tôm vụ 1 nhiệt độ trung bình thấp, thời gian nuôi kéo dài nhưng do có sự quản lý chặt chẽ của chủ hộ, các yếu tố môi trường bể nuôi, ao nuôi được cập nhật liên tục, được quản lý chặt chẽ nằm trong ngưỡng cho tôm phát triển nên sau 5 tháng nuôi tôm đã đạt kích cỡ 40 – 45con/kg, giá bán tại thời điểm thu hoạch bình quân 200.000đ/kg. Tổng thu tôm vụ 2 đạt 8,5 tấn, sau khi trừ chi phí vụ 2 cho lợi nhuận gần 1 tỷ đồng.
Vụ nuôi tôm thứ 3, giai đoạn 1 cỡ tôm thả PL12 mật độ thả 1.000 – 1.500 con/m2, sau 25 ngày thả nuôi cỡ tôm đạt 1.500 – 1.800 con/kg, tỷ lệ sống đạt 95% tiến hành chuyển sang nuôi giai đoạn 2 mật độ thả 450 – 500 con/m2 với thời gian nuôi 38 ngày cỡ tôm đạt 180 – 200 con/kg tỷ lệ sống đạt 92%. Tiếp tục chuyển sang nuôi giai đoạn 3 với thời gian nuôi 42 ngày tôm đạt kích cỡ 35 – 40con/kg, tỷ lệ sống đạt 88%. Tỷ lệ sống chung cho cả 3 giai đoạn là 77%, sản lượng tôm thu được 10,1 tấn/1 vụ nuôi.
Ông Thắng cho biết, trước đây, việc đo các chỉ tiêu môi trường trong ao nuôi đều được ông thực hiện định kỳ bằng các bộ test kit như đo pH 2 lần/ngày, đo ôxy hòa tan 1 lần/ngày… nên nhiều khi không phát hiện kịp thời sự biến động để xử lý. Nhưng với hệ thống quan trắc tự động này, chỉ cần 1 chỉ tiêu nào đó vượt ngưỡng là ông đã nhận được cảnh báo qua điện thoại để có biện pháp xử lý kịp thời. Nhờ vậy, tôm nuôi phát triển rất tốt.
Ứng dụng công nghệ để nuôi tôm bền vững
Thạc sỹ Trần Nhật Phong cho biết, hệ thống giám sát và cảnh báo chất lượng nước gồm có bộ điều khiển trung tâm (E-Sensor Master Aqua), sử dụng sóng không dây RF 433Mhz, kết nối Wifi, kết nối GSM, có khả năng cảnh báo thông số vượt ngưỡng qua tin nhắn SMS; bộ đọc thông số cảm biến pH, nhiệt độ, ôxy hòa tan, ORP, độ mặn; cảm biến đo độ PH với khoảng đo từ 0 – 14; cảm biến đo hàm lượng ôxy hòa tan có khoảng đo từ 0 – 20 mg/l; cảm biến đo ORP có khoảng đo +/- 2000mV; cảm biến đo độ mặn từ 0 – 80 phần ngàn.
Tất cả được kết nối với pin năng lượng mặt trời và phần mềm theo dõi điều khiển trên điện thoại thông minh và máy tính với thời gian cập nhật dữ liệu là 2 phút/lần. Các dữ liệu này sẽ được cập nhật lên điện toán đám mây, giúp người nuôi tôm giám sát từ xa thông qua các thiết bị di động thông minh như điện thoại, máy tính bảng. Dữ liệu sẽ được so sánh với ngưỡng cho phép được cài đặt sẵn để thực hiện cảnh báo.
Cũng theo ông Phong, qua 2 vụ nuôi tôm thực hiện dự án có thể đánh giá, việc tuân thủ quy trình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn, có ứng dụng hệ thống tự động quản lý các yếu tố môi trường ao nuôi đã giúp dễ quản lý, giảm chi phí, giảm công lao động nên rút ngắn được thời gian nuôi, hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi.
Theo kỹ sư Vũ Thị Vinh, Chủ nhiệm dự án Ứng dụng TBKHCN quản lý tự động các yếu tố môi trường trong nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn cho hay, những năm qua, nuôi tôm đã trở thành thế mạnh và con tôm được tỉnh Nghệ An xác định là một trong những đối tượng nuôi chủ lực tạo sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã được người nuôi áp dụng như mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn; nuôi tôm 2 giai đoạn theo công nghệ Biofloc; nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm theo hình thức thâm canh, sử dụng chế phẩm sinh học; nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng VietGAP; nuôi tôm trong nhà kín… Qua đó, đã nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước hình thành liên kết chuỗi giá trị và đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, môi trường ao nuôi ngày càng suy giảm… làm tôm nuôi chậm lớn, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, làm người nuôi tôm bị thiệt hại nặng nề.
Để giảm dịch bệnh, gia tăng tỉ lệ thành công trong nuôi tôm, việc đảm bảo chất lượng nước là chìa khóa để thành công. Muốn đảm bảo được chất lượng nước, trước hết cần phải theo dõi và giám sát. Tuy nhiên, nếu chỉ dùng cách thông thường là đo bằng các test kit, thực hiện 1 – 2 lần trong ngày hay trong tuần sẽ không đảm bảo được sự an toàn cho tôm nuôi. Do vậy, cùng với việc hoàn thiện quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 3 giai đoạn phù hợp với thực tế địa phương, việc ứng dụng các công nghệ mới, có khả năng giám sát liên tục các chỉ tiêu chất lượng nước quan trọng, có tốc độ biến đổi nhanh và đưa ra cảnh báo kịp thời là hết sức cần thiết. Qua đó, giúp người nuôi tôm xử lý kịp thời sự biến động của các thông số, đảm bảo môi trường tốt nhất cho quá trình phát triển của tôm; giảm thiểu sự phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hướng đến sự ổn định bền vững cho ngành nuôi trồng thuỷ sản…
Ông Tạ Quang Sáng – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An – đơn vị thực hiện dự án cho biết việc ứng dụng TBKHCN quản lý tự động các yếu tố môi trường trong nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn sẽ giúp người nuôi tôm thẻ chân trắng có cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu người nông dân sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất, mang lại năng suất cao, giúp người nuôi có thể nuôi tôm một cách an nhàn nhưng lại đạt kết quả tốt, góp phần tăng sản lượng tôm nuôi của tỉnh
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục tuyên truyền nhân rộng mô hình để người dân có điều kiện tiếp cận với công nghệ số trong nuôi trồng thuỷ sản nói chung và nuôi tôm thẻ chân trắng nói riêng; tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật để hướng dẫn cho người dân nuôi tôm theo công nghệ cao ứng dụng công nghệ số hoá áp dụng thực tế vào sản xuất.
Vũ Thị Vinh – Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An