Hiện trạng ô nhiễm ở đáy ao nuôi tôm
Đáy ao đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chất lượng nước, môi trường sống và sức khỏe của tôm nuôi. Hiện nay, tình trạng ô nhiễm ở đáy ao nuôi là một vấn để phổ biến và nghiêm trọng trong quá trình nuôi tôm. Khi đáy ao bị ô nhiễm sẽ gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của tôm và gây nhiều khó khăn trong việc quản lý và duy trì ao nuôi.
Nguyên nhân gây ô nhiễm đáy ao
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm đáy ao như tích tụ các chất thải hữu cơ, thức ăn thừa, phân tôm và các vi sinh vật chết. Những chất thải không được xử lý kịp thời và tích tụ gây nên hiện tượng ô nhiễm đáy ao.
Khi các chất thải tại đáy ao phân hủy gây tốn oxy trong nước và sinh ra các khí độc như H2S, NH3, và CH4. Các khí độc trong nước sẽ làm giảm sức đề kháng và dẫn đến hiện tượng tôm chết hàng loạt.
Ngoài ra, việc sử dụng thuốc kháng sinh và hóa chất dư thừa cũng góp phần vào ôn nhiễm đáy ao. Khi các chất này tích tụ ở đáy ao sẽ giết chết các vi sinh vật có lợi, làm mất cân bằng hệ sinh thái trong ao và tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh lây lan và phát triển.
Tác hại của ô nhiễm đáy ao
Ô nhiễm đáy ao gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của tôm. Một trong những tác động tiêu cực lớn nhất là giảm chất lượng nước và giảm hàm lượng oxy hòa tan trong nước dẫn đến tình trạng thiếu oxy.
Hiện tượng thiếu oxy gây ra tình trạng stress, làm giảm khả năng tiêu hóa thức ăn và suy giảm hệ thống miễn dịch. Kết quả là tôm dễ bị mắc bệnh, chậm lớn và thậm chí có thể gây chết.
Các khí độc phát ra từ các chất thải tích tụ đáy ao như H2S và NH3 có thể làm tổn thương mang tôm, ảnh hưởng đến quá trình hô hấp và khiến tôm dễ bị tấn công bởi các mầm bệnh. Điều này không chỉ làm giảm sản lượng thu hoạch mà có ảnh hưởng đến chất lượng tôm, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi.

Giải pháp khắc phục
Để giảm thiểu ô nhiễm đáy ao, người nuôi cần thực hiện một số biện pháp quản lý chặt chẽ.
- Quản lý thức ăn hiệu quả: Cho tôm ăn đúng liều lượng, tránh dư thừa thức ăn và loại bỏ thức ăn thừa kịp thời để tránh tích tụ đáy ao.
- Cải tạo đáy ao sau mỗi vụ nuôi: Tháo cạn nước, phơi đáy ao để tiêu diệt mầm bệnh và có thể xử lý sạch các chất hữu cơ tích tụ. Ngoài ra, người nuôi có thể sử dụng các chế phẩm sinh học để hỗ trợ quá trình phân hủy đáy ao nuôi.
- Sử dụng hệ thống sục khí và tuần hoàn nước trong ao để duy trì hàm lượng oxy hòa tan và ngăn ngừa tình trạng tích tụ chất thải đáy ao.
- Kiểm tra và giám sát chất lượng nước thường xuyên để phát hiện sớm các dấu hiệu ô nhiễm và có những biện pháp xử lý kịp thời.
Ô nhiễm đáy ao nuôi tôm là một thách thức lớn đối với ngành nuôi tôm hiện nay. Việc quản lý và kiểm soát ô nhiễm đáy ao đòi hỏi sự cẩn trọng và biện pháp phòng ngừa chặt chẽ từ người nuôi. Bằng cách áp dụng các biện pháp phòng ngừa và thường xuyên cải tạo đáy ao có thể giảm thiểu rủi ro, bảo vệ sức khỏe của tôm và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nguồn: tepbac.com